Dạy học môn Giáo dục công dân khối THCS thông qua những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ bảy - 27/02/2021 09:01
Hiện nay, giáo dục nhà trường THCS đều nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của bộ môn Giáo dục công dân ( GDCD) cấp THCS trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục cấp phổ thông, góp phần hình thành và phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh. Vì những tri thức của môn GDCD cấp THCS trực tiếp xây dựng tư tưởng, tình cảm, thái độ và hành vi đạo đức; trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân đối với gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội cho học sinh. Nhưng không phải đối với bộ môn vừa khó hiểu, vừa khô khan này người giáo viên nào cũng biết sử dụng phương pháp giảng dạy thông qua những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương trình bộ môn GDCD hiện hành ở cấp THCS đề cập về những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực và phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS trong 4 mối quan hệ: với bản thân, với người khác, với công việc và với môi trường sống ( bao gồm môi trường tự nhiên và môi trường xã hội). Cụ thể, cấu trúc chương trình môn GDCD hiện hành ở THCS được chia làm hai phần (chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực pháp luật) như sau:
Các chuẩn mực đạo đức gồm có 8 chủ đề sau
  • Sống cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư
  • Sống tự trọng và tôn trọng người khác
  • Sống có kỉ luật
  • Sống nhân ái, vị tha
  • Sống hội nhập
  • Sống có văn hóa
  • Sống chủ động, sáng tạo
  • Sống có mục đích
  • Các chuẩn mực pháp luật gồm có 5 chủ đề sau:
  • Quyền trẻ em và quyền, nghĩa vụ của công dân trong gia đình
  • Quyền, nghĩa vụ của công dân giữ gìn trật tự, an toàn xã hội
  • Quyền, nghĩa vụ của công dân về văn hóa, giáo dục và kinh tế
  • Các quyền tự do cơ bản của công dân
  • Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam- quyền và nghĩa vụ công dân trong quản lý bộ máy nhà nước

Từ việc dựa vào nội dung, cấu trúc trên của chương trình, người giáo viên dạy GDCD có thể vận dụng phương pháp dạy học tích hợp liên môn các môn học xã hội như: Văn, Sử, Địa trong những tiết ôn tập theo các chủ đề đạo đức, pháp luật hoặc theo chủ đề của 4 mối quan hệ cơ bản.
 Quán triệt tư tưởng của Chỉ thị 03/CT-TW của Bộ chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào trong công tác dạy học nói chung, đặc biệt trong giảng dạy môn GDCD cấp THCS nói riêng. Những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những bài học tích hợp về những phẩm chất đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kỉ luật, nhân ái, vị tha; sống có mục đích, chủ động, sáng tạo; tự trọng, tôn trọng người khác; sống có văn hóa và hội nhập. Đó cũng là những phẩm chất đạo đức của con người mới- con người Xã hội chủ nghĩa đáp ứng thời kỳ Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước. Và đối với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà lãnh tụ tài ba mà còn là vị Cha già dân tộc- có tình yêu thương bao la đối với thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.
 
2
 
Quá trình nhận thức của con người là từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng rồi từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn – đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của nhận thức hiện thực khách quan. Và Nhận thức là một quá trình đi từ nhận thức cảm tính ( bao gồm: cảm giác, tri giác, biểu tượng ) đến nhận thức lý tính ( bao gồm: khái niệm, phán đoán, suy luận) và ngược lại. Hiểu rõ mối quan hệ biện chứng này, người giáo viên GDCD cấp THCS sẽ “ biến” những khái niệm, phạm trù trừu tượng tưởng chừng khó hiểu như: cần cù, tiết kiệm, liêm chính, chí công vô tư; giản dị, lịch sự, tế nhị... trở nên cụ thể, đơn giản và sinh động thông qua hình tượng Bác Hồ với bộ quần áo kaki, đôi dép cao su... rồi đến việc chi tiêu sinh hoạt thường ngày của Bác. Những câu nói, cử chỉ, hành động, việc làm của Bác luôn là những bài học quý báu cho chúng ta noi theo như: “ Chỉ có lao động thực sự mới đem lại hạnh phúc cho con người!”; “ Thời gian quý báu lắm!”; “ Bác có phải là vua đâu?”... hay nhiều lời khuyên của Người đã trở thành kim chỉ nam hành động cho thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam.
Bởi những lẽ trên mà việc lấy những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giảng dạy GDCD THCS là những minh chứng thêm phần thuyết phục, rõ nét, cụ thể và sống động nhất. Việc sử dụng những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thực hiện thông qua những phương pháp dạy học như: thuyết trình, kể chuyện, trực quan sinh động (sử dụng những bức ảnh, những đoạn phim tư liệu), đóng kịch...Và để đem lại hiệu quả giờ dạy cao nhất, trong phần dạy học ngoại khóa thì hoạt động giáo dục trải nghiệm sáng tạo là lựa chọn tối ưu (tổ chức cho lớp học đi tham quan những di tích lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làng sen quê Bác, hang Pác Pó, cây đa Tân Trào, phủ Chủ tịch, lăng Bác...)
Việc vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học trong giảng dạy môn GDCD cấp THCS thông qua những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh góp phần phát huy tính tích cực của học sinh, tạo sự hấp dẫn cho giờ học và nâng cao chất lượng bộ môn. Đặc biệt, việc vận dụng này cũng góp phần thực tiễn hóa cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào trong cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  LIÊN KẾT GIÁO DỤC

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay6
  • Tháng hiện tại27,838
  • Tổng lượt truy cập1,946,862
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây